Công ty 319 Miền Trung/TCT319: Quyết tâm hoàn thành công trình kè chống sạt lở xã An Bình, huyền Đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trước Mùa Mưa Bão

Thứ năm, 25/09/2014

     Xã đảo An Bình (hay còn gọi là Đảo bé) là một trong ba xã đảo thuộc huyện đảo Lý Sơn có diện tích khoảng 0,7 km2, cách đất liền 17 hải lý, cách đảo lớn 1,7 hải lý. Là một trong 12 đảo tiền tiêu có vị trí địa lý kinh tế, chính trị hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh quốc gia và phát triển kinh tế biển của khu vực Miền Trung cũng như của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm qua sự xâm thực của biển là một trong những vấn đề nghiêm trọng làm cho tình hình sạt lở trên đảo ngày càng diễn ra phức tạp, đảo ngày càng nhỏ dần theo thời gian. Theo số liệu điều tra, khảo sát tại đây cơn bão số 9 năm 2009 đã lấy đi hơn 250 m2 đất đai nhà của của người dân. Tình hình sạt lở đã diễn ra ngày càng nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, đất canh tác của nhân dân. Trước tình hình trên UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định đầu tư xây dựng giai đoạn 1 công trình Kè chống sạt lở xã An Bình, huyện Đảo Lý Sơn, Công ty TNHH MTV 319 Miền Trung vinh dự được giao nhiệm vụ thi công công trình này.

Huyện đảo Lý Sơn Tỉnh Quảng Ngãi nơi cán bộ, CNV, người lao động

Công ty 319 Miền Trung đang tham gia thi công trình Kè chống sạt lở Đảo

     Công trình nằm trên  xã đảo cách xa đất liền, việc thi công, vận chuyển vật tư, vật liệu, máy móc, thiết bị thi công gặp nhiều khó khăn, vất vả. Các vật tư, vật liệu phục vụ thi công thông dụng cũng đều phải vận chuyển từ đất liền ra, ngay cả các vật liệu thiên nhiên như cát, đất, nước ngọt cũng không có sẵn. Việc vận chuyển từ đất liền ra đảo lớn đã khó khăn nhưng đối với đảo nhỏ lại càng khó khăn hơn. Bất cứ một biến động nào trên biển như áp thấp, mưa, giông, bão cũng đều ảnh hưởng đến việc vận chuyển, có khi tàu thuyền cũng không thể tiếp cận được đảo, mực nước thủy triều thường xuyên thay đổi thất thường tác động trực tiếp đến tiến độ thi công của công trình.

     Song với ý nghĩa tầm quan trọng của công trình và quán triệt tinh thần “Tất cả vì biển đảo quê hương”, “Quyết tâm giữ gìn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Ban Chỉ huy công trình Kè đảo Lý Sơn - Công ty 319 Miền Trung đã nỗ lực bằng mọi biện pháp, cách thức quyết tâm tổ chức thi công theo đúng kế hoạch, đạt tiến độ đề ra, sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng. Điểm đặc thù của công trình này là công trình thi công biển đảo, xa đất liền nên việc làm tốt công tác chuẩn bị là một yếu tố rất quan trọng quyết định đến tiến độ thi công và hoàn thành công trình. Do vậy, Ban Chỉ huy công trình tập trung ưu tiên làm tốt công tác chuẩn bị từ khâu khảo sát, nắm chắc địa hình, địa chất nơi thi công, điều kiện thời tiết khí hậu thủy văn để lên phương án tổ chức thi công đến việc chuẩn bị vật tư, vật liệu, máy móc thi công tất cả đều phải chuẩn bị đầy đủ; Lên phương án dự trữ nước ngọt và xăng dầu phục vụ sinh hoạt và thi công. Việc vận chuyển nước ngọt rất vất vả, có khi phải xách từng can, vận chuyển từng phi nước để đưa về công trình, một mặt tổ chức đào đắp các bể để dự trữ nước, mặt khác Ban Chỉ huy công trình làm tốt công tác dân vận để dự trữ nước ngọt tại các bể chứa nước của nhà dân. Cùng với đó dự trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác để phòng ngừa khi biển động không bảo đảm được lương thực, thực phẩm.

     Để bảo đảm tiến độ thi công, Ban Chỉ huy công trình đã tập trung thi công không quản ngày đêm, mưa nắng và có những cách làm sáng tạo để nâng cao hiệu xuất thi công: Do đặc điểm phần chân của Kè chủ yếu nằm gần sát với mép nước biển, khi có mực nước thủy triều dâng toàn bộ phần chân Kè sẽ bị ngập trong nước, không thể tổ chức thi công. Thay vì đợi mực nước thủy triều rút mới tiến hành thi công, anh em đã tổ chức lấy bao cát, đất đá đắp thành bờ kè ngoài chân công trình ngăn không cho nước vào, đồng thời sử dụng các máy bơm công suất lớn để bơm, hút nước. Do vậy, mặc dù có mực nước thủy triều dâng nhưng đơn vị vẫn tổ chức thi công bình thường. Ở đoạn cuối công trình, phần móng của chân Kè chủ yếu nằm trong đá trầm tích rất khó khăn cho việc đào móng thay vì phương án phá đá nổ mìn mất nhiều thời gian và tăng chi phí thi công, dễ gây mất an toàn, Ban Chỉ huy công trình đã sử dụng các búa máy công suất lớn tiến hành đào móng chân Kè. Một số đoạn không đắp được bao cát, đất đá làm bờ kè ngăn nước do bị ngập sâu trong nước khi mực nước thủy triều dâng lên, để thi công BCH công trình phải thay đổi thời gian thi công, chờ mực nước thủy triều xuống tập trung máy móc, thiết bị để tổ chức thi công, có khi phải thi công từ 1, 2 giờ đêm đến 4, 5 giờ sáng trước khi nước thủy triều dâng lên. Với phương pháp thi công này đã giảm được khá nhiều thời gian và chi phí thi công, làm tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh của công trình và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện.

     Chỉ sau gần 2 tháng thi công, đơn vị đã hoàn thành được toàn bộ khối lượng phần chân Kè vượt mức nước thủy triều dâng là điều kiện thuận lợi thi công các phần còn lại của công trình. Với tiến độ này công trình sẽ về đích trước thời hạn. Đồng chí Lã Ngọc Hòa - Chỉ huy trưởng công trình không giấu được những niềm vui và chia sẻ: “Việc đẩy nhanh tiến độ thi công và bàn giao đưa vào sử dụng giai đoạn 1 của công trình trước mùa mưa bão là một việc làm có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với Đảng bộ, chính quyền nhân dân xã đảo An Bình, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bảo đảm tính mạng, tài sản và đất canh tác cho nhân dân xã đảo, góp phần giúp đỡ nhân dân ổn định đời sống, yên tâm gắn bó với đảo, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

     Một số hình ảnh thi công công trình Kè chống sạt lở xã An Bình, huyện Đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi:

Bài và ảnh :Thiếu tá Trần Đức Việt -  Phó Trưởng phòng Chính trị, Công ty TNHH MTV 319 Miền Trung.

 

Khách hàng đối tác