4 gương mặt tiêu biểu của doanh nhân quân đội năm 2010

Thứ bảy, 03/09/2011

      Tại Lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội, 100 doanh nhân tiêu biểu đại diện cho gần 4 triệu doanh nhân của cả nước năm 2010 đã được tôn vinh và được nhận Cúp Thánh Gióng. Trong số đó,  có rất nhiều người đã từng là bộ đội. Đặc biệt có 4 doanh nhân hiện đang công tác trong quân đội đó là Thượng tá Phùng Quang Hải, Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển, Đại tá Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp, Đại tá Phùng Danh Thắm . Phóng viên Báo Quân đội nhân dân “phác họa nhanh” 4 gương mặt xuất sắc này. 
 

          Thượng tá Phùng Quang Hải, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên 319:
Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm 

Công ty TNHH  một thành viên 319 (Quân khu 3) mới được chuyển đổi từ Công ty xây dựng 319. Cũng như nhiều doanh nghiệp xây dựng khác, trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, Công ty 319 cũng gặp phải không ít khó khăn. Để vượt qua được “cơn bão” lạm phát và suy thoái kinh tế, Tổng giám đốc công ty đã cùng Đảng ủy, Ban Giám đốc triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, từng bước củng cố và nâng cao chất lượng lãnh đạo của các tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên. Đẩy mạnh công tác nghiệm thu, thanh quyết toán thu hồi vốn; sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Công ty để nâng cao năng lực về vốn và khả năng cạnh tranh. Đặc biệt, Công ty thực hiện triệt để cơ chế phân cấp, phân quyền trong sản xuất kinh doanh cho các đơn vị cơ sở.

      Thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp, công ty đã tiếp nhận thêm 5 đơn vị, đều là những đơn vị sản xuất nhỏ và khó khăn. Đến nay, các đơn vị này đã ổn định, từng bước phát triển tốt, sản xuất kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm tốt đời sống cho cán bộ, công nhân viên và người lao động. Hiện nay, công ty có 13 xí nghiệp thành viên, hoạt động trên địa bàn hơn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ năm 2006 đến nay, Công ty luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, doanh thu hàng năm tăng từ 10 đến 17%/năm; thu nhập của người lao động tăng từ 7 đến 12%/năm. Các khoản nộp ngân sách năm sau cao hơn năm trước.
 


Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển, Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc:
Biến nguy cơ thành thời cơ
 

     Thời gian mà Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuyển làm Tổng giám đốc Tổng công ty Đông Bắc chưa dài, nhưng lại là thời kỳ mà nền kinh tế thế giới, trong nước và trong ngành khai thác khoáng sản của Việt Nam có nhiều biến động. Vốn là người trưởng thành từ cơ sở, Tổng Giám đốc cùng tập thể Đảng ủy, chỉ huy Tổng công ty tranh thủ ngay thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới để đầu tư thiết bị hiện đại, biến nguy cơ thành thời cơ.  Nhờ sự “đi tắt, đón đầu” về công nghệ hiện đại và tổ chức lại lực lượng sản xuất mà trong cơn khủng khoảng kinh tế thế giới, suy thoái kinh tế trong nước, Tổng công ty Đông Bắc không những vẫn trụ vững mà có bước phát triển đáng kinh ngạc. Tổng doanh thu toàn Tổng công ty năm 2010 dự kiến tăng gấp 2,5 lần so với năm 2006 và tăng gấp 12 lần so với năm 2001. Lợi nhuận trước thuế năm 2010 này dự kiến sẽ tăng gấp 2,4 lần so với năm 2006 và gấp 34 lần so với năm 2001. Các khoản nộp ngân sách của năm 2010 dự kiến cũng tăng gấp gần 6 lần so với năm 2006 và gấp gần 60 lần so với năm 2001. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2010 dự kiến đạt khoảng 7,23 triệu đồng/tháng, tăng gần gấp đôi so với năm 2006.

      Nhờ phát huy được lợi thế của một doanh nghiệp quân đội với kỷ luật nghiêm, sự lãnh đạo chặt chẽ của các tổ chức Đảng, sự đoàn kết nhất trí cao mà Tổng công ty Đông Bắc đã vươn lên trở thành một trong những doanh nghiệp có sản lượng khai thác than lớn nhất, doanh thu cao nhất và lợi nhuận nhiều nhất Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam. Từ chỗ chỉ khai thác than, trong mấy năm gần đây, dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng  Phạm Ngọc Tuyển, Tổng công ty Đông Bắc đã vươn sang lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản và đã gặt hái khá thành công ở lĩnh vực này. Mới đây, Tổng công ty đã tổ chức thành công việc hợp long đê biển Vĩnh Tân, tuyến đê bao lấn biển lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam hiện nay đồng thời là hạng mục quan trọng của dự án xây dựng Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận).

 
Đại tá Anh hùng Lao động Nguyễn Đăng Giáp,  Giám đốc Công ty 36:
Người chuyên xông pha vào những việc khó

     Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trao cúp 'Tâm và Tài' cho Đại tá Nguyễn Đăng Giáp năm 2009


     Mấy năm gần đây, cái tên Nguyễn Đăng Giáp gắn với thương hiệu Công ty TNHH một thành viên Đầu tư xây lắp và Thương mại 36 (gọi tắt là Công ty 36 thuộc Tổng công ty Thành An, Bộ Quốc phòng) đã trở thành quen thuộc trên thị trường xây dựng. Đại tá Nguyễn Đăng Giáp là người chèo lái “con thuyền 36” từ chỗ nợ nần 34 tỷ đồng (khi mới nhận chức Giám đốc năm 2004), nay Công ty  có tổng tài sản trị giá 1.500 tỷ đồng; từ chỗ tài sản, thiết bị không có gì nay có hàng trăm thiết bị, xe, máy hiện đại nhất Việt Nam; giải quyết đủ việc làm cho hơn 1.200 cán bộ, công nhân viên quốc phòng và hơn 7000 người lao động mức lương bình quân 4,2 triệu đồng/tháng; quy mô phát triển gấp 20 lần so với 6 năm về trước. Việc điều hành trực tuyến chặt chẽ và khoa học của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp đã trở thành đề tài khoa học của nhiều người và nhiều doanh nghiệp đã đến đây để học hỏi mô hình này.

  

Đại tá Phùng Danh Thắm, Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn:

Không thể thể thiếu chữ “tâm” và chữ “tín” 


     Tổng công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng (Thaison Group) tiền thân là Công ty Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Nhiệt đới (TROPICO) được thành lập ngày 22-4-1991 theo Quyết định số  128/QĐQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong mấy năm gần đây, với sự chuyển đổi hình thức hoạt động theo mô hình công ty mẹ-công ty con không những quy mô của Thái Sơn được tăng lên nhiều lần (tài sản, vốn, nhân lực, công nghệ và phát triển thị trường) mà các nguồn lực của Thái Sơn còn được bổ sung, hỗ trợ và phát huy hiệu quả, tạo cho mọi hoạt động trong đó có xây dựng và phát triển vượt bậc, uy tín ngày càng cao. Tạo ra sự thành công này, có phần đóng góp không nhỏ của Đại tá Tổng giám đốc Phùng Danh Thắm.

     Một trong những thành công của Tổng giám đốc Phùng Danh Thắm là đã xây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp quân đội. Theo Đại tá Phùng Danh Thắm, văn hóa doanh nghiệp là loại tài sản vô hình, vô giá, nó trở thành một trong những công cụ giúp gia tăng giá trị thương hiệu. Điều mà Tổng công ty Thái Sơn làm được là biết kết hợp hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của từng cá nhân; xây dựng môi trường làm việc thoải mái, đoàn kết, ứng xử công tâm, luôn đồng hành và khích lệ nhân viên sáng tạo và vươn lên…

     Đại tá Phùng Danh Thắm đã từng phát biểu: Ngay cả những khi gặp khó khăn nhất, một doanh nhân chân chính vẫn phải tâm niệm tôn chỉ kinh doanh không đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc, không bị lu mờ bởi tính thực dụng, đua chen. Nếu kinh doanh mà thiếu “tâm”, đến một lúc nào đó khách hàng, đối tác cũng sẽ quay lưng. Doanh nghiệp có thể có lợi trước mắt nhưng tự hại mình về lâu dài. Để tình trạng kinh doanh thiếu “tâm” và “tín” cứ “xâm lấn” dần vào các doanh nghiệp thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút đầu tư, đến nền tảng văn hóa kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước và lực lượng doanh nhân Việt sẽ thiếu tự tin khi sánh vai cùng doanh nhân các nước.

                                                                                                                                                                                                                                                              *Theo qdnd.vn

Hỗ trợ online

Hỗ trợ tư vấn Hỗ trợ kỹ thuật



Khách hàng đối tác